Ông Phạm Phương thời điểm bị bắt tạm giam - Ảnh: CACC
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã kết luận điều tra bổ sung vụ án "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại chung cư Miếu Nổi.
Vì sao ban quản trị cũ chung cư Miếu Nổi ở quận Bình Thạnh, bị đề nghị truy tố?
Bắt trưởng ban quản trị chung cư Miếu NổiGiám đốc trung tâm thuộc sở ở Huế lãnh án tù vì tham ô tài sảnPhối hợp rút 8 tỉ tiền xăng dầu, 7 người bị bắt về tội tham ôTrước đó, vụ án này do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh thụ lý và đã kết luận điều tra vào cuối tháng 9 năm nay.
Sau đó Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh trả hồ sơ và chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để điều tra theo đúng thẩm quyền.
Theo hồ sơ, từ tháng 8-2017 đến 7-1-2024, ban quản trị chung cư Miếu Nổi khi đó gồm:
Ông Phạm Phương (53 tuổi, trưởng ban), Đinh Việt Cường (50 tuổi, phó ban), Nguyễn Thị Đào (57 tuổi, phó ban) và Tôn Ngọc Bạch (70 tuổi, thành viên) đã không chấp hành các quy định pháp luật liên quan trong việc quản lý chung cư, không thuê đơn vị quản lý vận hành có chuyên môn, mà tự quản lý, tự sửa chữa, lắp đặt các hạng mục chung cư gây thất thoát hơn 3,3 tỉ đồng của cư dân.
Cựu phó ban quản trị chung cư Miếu Nổi Đinh Việt Cường - Ảnh: CACC
Gây thiệt hại 575 triệu đồng của cư dânTrong quá trình thi công, sửa đường nội bộ, ban quản trị chung cư không xin giấy phép sửa chữa, tự ý thay đổi hiện trạng so với thiết kế ban đầu, không lấy ý kiến của cư dân là lỗi của ban quản trị, nhưng khi bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hành chính thì các ông, bà Phương, Cường, Bạch và Đào bàn bạc dùng tiền đóng góp của cư dân để thi hành quyết định xử phạt đối với ban quản trị, gây thiệt hại cho cư dân số tiền 15 triệu đồng.
Bên cạnh đó ông Phương cùng các thành viên ban quản trị không thông qua cư dân mà tự ý lấy mặt bằng thuộc sở hữu của chung cư để cho thuê. Trong đó có một hợp đồng cho thuê 30m tại sân vườn chung cư (giáp đường Trường Sa).
Tuy nhiên UBND phường 3 yêu cầu ban quản trị thu hồi phần mặt bằng cho thuê trái quy định pháp luật.
Căn cứ hợp đồng, bên thuê đã yêu cầu ban quản trị đền bù hợp đồng với số tiền là 50 triệu đồng. Ban quản trị sử dụng tiền đóng góp của cư dân để đền hợp đồng.
Cuối năm 2023, ban quản trị thuê Công ty TNHH TMDV Viễn Thông Kamera do Nguyễn Phước Nguyên thi công lắp đặt hệ thống bãi xe thông minh.
Nhưng khi lắp thử, chưa đưa vào sử dụng thì bị cư dân phản đối nên ông Phương yêu cầu Nguyên đưa các thiết bị vào kho cất giữ. Mặc dù không lắp đặt, sử dụng hệ thống nhưng ông Phương vẫn nghiệm thu và thanh toán 263 triệu đồng cho công ty trên.
Nhận tiền thanh toán, Nguyên chi tiền hoa hồng cho chung cư là 12 triệu đồng, số tiền này ông Phương khai đã tiêu xài cá nhân hết.
Năm 2019, ông Phương cùng ông Phan Dương Đại (giám đốc Công ty TNHH sản xuất nhập khẩu Đại Tiến) ký 2 hợp đồng thi công lắp đặt thang máy B2 và 2 thang máy C.
Ông Đại chỉ mới lắp đặt 1 thang B2 và 1 thang bên trái lô C (trị giá tổng cộng 1,9 tỉ đồng) nhưng được ban quản trị thanh toán hơn 2,7 tỉ đồng. Ông Đại mặc dù chưa lắp đặt thang còn lại ở lô C nhưng vẫn nhận 813 triệu đồng.
Sau đó ông Phương dùng tiền đóng góp của cư dân là 246 triệu đồng để mua linh kiện và thuê nhân công lắp ráp thang máy bên phải đơn nguyên C. Đây được xác định số tiền thiệt hại của cư dân.
Cơ quan điều tra xác định hành vi trên của ông Phạm Phương, Đỉnh Việt Cường, Tôn Ngọc Bạch và Nguyễn Thị Đào đủ yếu tố cấu thành tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ông Phan Dương Đại (Công ty thang máy điện Đại Tiến) - Ảnh: CACC
Cựu trưởng ban quản trị chung cư Miếu Nổi và đồng phạm tham ô gần 2,5 tỉ đồngTháng 10-2017, ban quản trị chung cư Miếu Nổi ký hợp đồng thi công vệ sinh thoát nước với giá trị 150 triệu đồng với Công ty SNTP, thực tế thanh toán 151,2 triệu đồng.
Cơ quan điều tra làm việc với người đại diện công ty trên xác nhận chỉ thực nhận 135,2 triệu đồng, còn lại 16 triệu đồng là tiền hoa hồng cho chung cư. Số tiền 16 triệu đồng này, ông Phương và ông Cường chia đôi tiêu xài.
Năm 2018, ban quản trị chung cư ký hợp đồng với ông Phạm Dương Đại lắp 1 thang máy cho lô B1 với giá trị hợp đồng là 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Phương và ông Dương bàn bạc nhau không lắp thang máy theo thỏa thuận trong hợp đồng mà mua linh kiện về lắp ráp.
Tổng số tiền cho thang máy tự lắp ráp là 800 triệu đồng, dư 200 triệu đồng so với hợp đồng. Sau khi lắp đặt xong thang máy, ban quản trị chuyển 1 tỉ đồng cho ông Dương. Sau đó, ông Dương đưa lại cho ông Phương và ông Cường mỗi người 100 triệu đồng.
Đối với việc lắp đặt 3 thang máy vào năm 2019, ông Phương cùng ông Đại cũng nâng khống mỗi thang lên 200 triệu đồng, tổng số tiền nâng khống là 600 triệu đồng.
Sau đó ông Đại lắp đặt 2 thang nhưng vẫn nhận đủ tiền 3 thang như trên. Số tiền này, ông Đại chiếm đoạt hơn 1,3 tỉ đồng, ông Phương chiếm đoạt 97 triệu đồng.
Ngoài ra kết quả điều tra còn xác định ông Phương và các đồng phạm đã nghiệm thu "khống", nâng "khống" các hợp đồng lắp đặt camera, đèn năng lượng mặt trời, thi công sơn tường…, tự ý tiêu xài tiền đóng góp của cư dân với tổng số tiền chiếm đoạt là 2,5 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, quá trình kiểm tra chứng từ thu chi, cơ quan điều tra còn phát hiện ban quản trị chi sai (không giải trình được) số tiền gần 300 triệu đồng.
Với các hành vi trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã đề nghị truy tố ông Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Liên quan vụ án, ông Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên bị đề nghị truy tố tội "tham ô tài sản".
Còn Tôn Ngọc Bạch và Nguyễn Thị Đào bị đề nghị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".